Trong khi các tập đoàn công nghệ tiếp tục áp đảo về lợi nhuận ở Mỹ thì tại Việt Nam, ngành ngân hàng là số 1. Còn Trung Quốc cũng đang ra sức thay đổi.
Tính đến đầu tháng 5, bức tranh lợi nhuận quý I/2025 của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã dần hiện rõ. Ngành ngân hàng tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu khi chiếm tới 8/10 vị trí trong top các doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất. Nếu mở rộng danh sách lên 20 doanh nghiệp đứng đầu, có tới 12 ngân hàng góp mặt, cho thấy vai trò trung tâm của ngành này trong nền kinh tế.
Đây không phải là điều bất ngờ, bởi Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, nơi tín dụng ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ lực trong việc tài trợ cho các hoạt động đầu tư, từ cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp cho đến tiêu dùng cá nhân. Môi trường tín dụng được nới lỏng và lãi suất thấp tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của các ngân hàng.
Trong khi các tập đoàn công nghệ tiếp tục thống trị về lợi nhuận tại Mỹ, thì ngành ngân hàng giữ vị trí số 1 tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei
Ngoài các ngân hàng, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất quý I/2025, đạt hơn 18,6 nghìn tỷ đồng. Vingroup, cổ đông lớn nắm giữ hơn 83% cổ phần VEF, cũng đứng thứ 5 về lợi nhuận trong quý này. Còn lại, các ngân hàng nổi bật gồm Vietcombank, MBBank, BIDV, Techcombank, Vietinbank, HDBank, VPBank và ACB, với lợi nhuận từ 4.600 đến gần 11.000 tỷ đồng.
Tại Trung Quốc, nhóm ngân hàng như ICBC, CCB, ABC và Bank of China vẫn giữ vai trò chủ lực, tiếp tục đứng đầu về lợi nhuận nhờ được hậu thuẫn từ các chính sách tín dụng ưu đãi và tài sản quy mô lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc đang có xu hướng đa dạng hóa, khi các doanh nghiệp công nghệ như Tencent, Alibaba, Xiaomi hay các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng, ô tô, tiện ích và hàng tiêu dùng cao cấp như BYD, State Grid hay Kweichow Moutai ngày càng đóng góp lớn vào bức tranh lợi nhuận quốc gia.
Trong khi đó, tại Mỹ, các công ty công nghệ vẫn là “ông vua lợi nhuận”. Các tên tuổi như Apple, Microsoft, Google (Alphabet), Meta, Amazon, Nvidia liên tục chiếm lĩnh top đầu. Ngoài ra, chỉ có một vài đại diện ngoài ngành công nghệ như JPMorgan Chase (ngân hàng), Berkshire Hathaway (đầu tư), ExxonMobil (năng lượng), Johnson & Johnson (dược phẩm) lọt vào top 10.
Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa các nền kinh tế: nếu tại Mỹ, đổi mới sáng tạo và công nghệ là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận, thì ở Việt Nam và Trung Quốc, ngân hàng vẫn đóng vai trò cốt lõi trong việc duy trì tăng trưởng và tài trợ cho các lĩnh vực khác. Tuy vậy, Trung Quốc đang cho thấy những bước tiến lớn trong công nghệ, đặc biệt là xe điện và pin năng lượng, với các doanh nghiệp như BYD và CATL.
Mặc dù các công ty công nghệ Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh, nhưng phần lớn vẫn phụ thuộc vào thị trường nội địa, chưa thể vươn ra toàn cầu như các “ông lớn” của Mỹ. Trong tương lai, nhờ vào lực lượng kỹ sư đông đảo và nguồn tài chính dồi dào, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao như AI và bán dẫn trong vòng 10–20 năm tới. Việt Nam dù còn khiêm tốn về quy mô công nghệ nhưng cũng đang từng bước chuyển mình để đón đầu xu thế này.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/top-doanh-nghiep-lai-lon-viet-nam-khac-my-va-trung-quoc-o-diem-nao-2398548.html