Cân nặng của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm di truyền, tốc độ trao đổi chất cơ bản, mức độ vận động, chế độ ăn uống và tình trạng sức khỏe. Một số người có cơ địa trao đổi chất nhanh, nên dù ăn nhiều cũng khó tích mỡ, trong khi người khác có cơ địa chậm hơn dễ dàng tích trữ mỡ thừa dẫn đến tăng cân. Ngoài ra, những người có khối lượng cơ lớn sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn, giúp họ duy trì cân nặng hoặc giảm cân dễ dàng hơn.
Mức độ hoạt động thể chất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng. Người thường xuyên tập luyện thể thao sẽ đốt cháy nhiều calo hơn so với người ít vận động, nên dù ăn nhiều cũng không dễ tăng cân. Ngược lại, người ít vận động cần ít năng lượng hơn và có thể bị tăng cân nếu không điều chỉnh chế độ ăn.
Nhiều người thấy mình ăn ít, thậm chí chỉ uống nước vẫn mập. Ảnh minh họa: Bùi Thủy
Tốc độ trao đổi chất cơ bản là lượng calo cơ thể tiêu hao để duy trì các chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa. Nếu tốc độ này nhanh, cơ thể đốt cháy calo hiệu quả hơn, giúp giảm cân; nếu chậm, calo bị tích tụ gây tăng cân.
Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng lớn đến cân nặng. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo và đường, nhưng thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu, không chỉ khiến cơ thể tích trữ mỡ mà còn làm tăng cảm giác đói, dẫn đến ăn nhiều hơn.
Ngoài ra, một số bệnh lý như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa hay bệnh tuyến giáp có thể làm thay đổi tốc độ trao đổi chất và ảnh hưởng đến cân nặng. Vì vậy, khi thấy mình ăn ít nhưng vẫn tăng cân, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để kiểm tra cơ địa, sức khỏe và xây dựng chế độ ăn, sinh hoạt phù hợp nhằm duy trì cân nặng ổn định và sức khỏe tốt.
Nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-nhieu-nguoi-an-it-van-beo-4885724.html