Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập

Cách đây tròn 80 năm, ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được Quốc hội khoá I, Kỳ họp thứ hai thông qua. Trong sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên, có dấu ấn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Chúng ta phải có bản Hiến pháp dân chủ” – Dấu ấn lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngay từ khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ: “Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ”. Đây không chỉ là một tuyên ngôn chính trị, mà còn là khát vọng cháy bỏng về một nhà nước của dân, do dân và vì dân – nơi pháp quyền được đề cao và quyền lực thuộc về nhân dân.

Chỉ ít ngày sau Lễ Độc lập 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp gồm nhiều trí thức tiêu biểu. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Người, bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhanh chóng được xây dựng, công bố rộng rãi để lấy ý kiến toàn dân – thể hiện tinh thần dân chủ và cầu thị sâu sắc.

Hiến pháp 1946 (Ảnh tư liệu)

Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ hai tháng 10-11/1946, đã dành phần lớn thời gian để thảo luận bản dự thảo này. Với 240/242 phiếu tán thành, Hiến pháp 1946 được thông qua – trở thành bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước ta và là một trong những hiến pháp sớm nhất ở châu Á. Với nội dung ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ tinh thần dân chủ, bản Hiến pháp này khẳng định quyền tự do của nhân dân, quyền bình đẳng giới và tinh thần đoàn kết dân tộc.

Dưới tầm nhìn chiến lược và tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hiến pháp 1946 không chỉ là nền tảng pháp lý cho một nhà nước độc lập, mà còn là biểu tượng cho khát vọng tự do, công lý và tiến bộ của dân tộc Việt Nam.

Nguồn: http://congluan.vn/chu-tich-ho-chi-minh-va-ban-hien-phap-dau-tien-cua-nuoc-viet-nam-doc-lap-10289681.html

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ