Các nước Ả Rập đứng trước ‘ngã ba đường’ sau cuộc chiến Israel – Iran

Cục diện Trung Đông đảo lộn vì cuộc chiến Israel – Iran

Cuộc xung đột giữa Israel và Iran không chỉ làm leo thang căng thẳng trong khu vực mà còn khiến nhiều quốc gia Ả Rập buộc phải điều chỉnh chiến lược ngoại giao của mình. Một Iran suy yếu – hậu quả của các cuộc không kích liên tiếp từ Israel – đang gây ra hệ lụy sâu rộng, đặc biệt là ảnh hưởng đến tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Ả Rập Xê Út.

Cuộc không kích của Israel đã gây ra những thiệt hại to lớn cả về con người lẫn cơ sở vật chất đối với chương trình hạt nhân của Iran. Đồ họa: Wikimedia Commons

Dù đã đạt được lệnh ngừng bắn tạm thời với vai trò trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nước Trung Đông vẫn đang tận dụng thời gian này để đánh giá lại cục diện. Nhiều quốc gia như Jordan hay Ả Rập Xê Út vẫn giữ lập trường công khai chỉ trích Israel, nhưng trong thực tế lại có những động thái hỗ trợ ngầm như mở không phận hay ngăn chặn tên lửa Iran.

Trước đây, mối đe dọa chung mang tên Iran từng là yếu tố gắn kết giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh. Tuy nhiên, khi Iran ngày càng suy yếu sau các cuộc tấn công và mất dần ảnh hưởng tại các “điểm nóng” như Syria, Lebanon hay Yemen, động lực để các nước Ả Rập tiến tới bắt tay với Israel cũng giảm sút. Đồng thời, việc Israel phô diễn sức mạnh quân sự và tình báo cũng khiến các quốc gia này lo ngại về việc mất kiểm soát trước những hành động đơn phương từ Tel Aviv.

Ả Rập Xê Út – quốc gia từng tiến gần đến thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel – nay tỏ ra dè dặt hơn. Riyadh khẳng định sẽ không xúc tiến bất kỳ thỏa thuận nào nếu xung đột tại Gaza chưa được giải quyết, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cần có một lộ trình rõ ràng cho việc thành lập Nhà nước Palestine – điều mà Israel hiện vẫn kiên quyết phản đối.

Trong bối cảnh bất ổn hiện nay, các quốc gia vùng Vịnh ưu tiên duy trì sự cân bằng với cả Israel lẫn Iran. Một Iran suy yếu nhưng không sụp đổ được xem là kịch bản tốt hơn so với việc khu vực rơi vào hỗn loạn vì các thế lực cực đoan trỗi dậy.

Dù Washington tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng Hiệp định Abraham – vốn từng mang lại bước ngoặt ngoại giao lớn cho Trung Đông – thì triển vọng về một làn sóng bình thường hóa mới vẫn còn xa vời. Các nước Ả Rập đang cân nhắc kỹ lưỡng, không chỉ về lợi ích an ninh mà còn về vị thế chính trị lâu dài trong một Trung Đông đầy biến động.

Nguồn: https://congluan.vn/cac-nuoc-a-rap-dung-truoc-nga-ba-duong-sau-cuoc-chien-israel-iran-10296875.html

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ