Chi tiết phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của các tỉnh, thành phố

Theo Tờ trình số 2174 ngày 08/05/2025 của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ký gửi Chính phủ, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước trong năm 2025 là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn. Trên cơ sở rà soát tổng thể 10.035 đơn vị hành chính cấp xã hiện có (gồm 7.694 xã, 1.724 phường và 617 thị trấn), 63 tỉnh, thành phố đã thống nhất xác định có 9.907 đơn vị hành chính cấp xã cần thực hiện sắp xếp, chiếm tỷ lệ gần 99% tổng số xã hiện hành.

Các tỉnh, thành phố đã xây dựng 3.193 phương án sắp xếp 9.907 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 3.193 đơn vị hành chính cấp xã mới

Các địa phương đã chủ động xây dựng 3.193 phương án sắp xếp, qua đó hình thành 3.193 đơn vị hành chính cấp xã mới, đồng thời giảm được 6.714 đơn vị so với trước đây. Điều này không chỉ góp phần tinh giảm đầu mối quản lý, giảm gánh nặng ngân sách mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội ở cấp cơ sở.

Đáng chú ý, có 128 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 124 xã và 4 phường) không thuộc diện sắp xếp vì đã đáp ứng đầy đủ hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, hoặc nằm ở vị trí biệt lập, có tính chất đặc thù theo quy định tại Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15.

Một số địa phương tiêu biểu trong công tác sắp xếp có thể kể đến như Thành phố Hà Nội đã xây dựng 126 phương án để sắp xếp 526 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó hình thành 126 đơn vị mới và giảm tới 400 đơn vị. TP.HCM cùng với các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương đưa ra 163 phương án nhằm tái cấu trúc 436 đơn vị xã, phường, thị trấn, qua đó giảm được 273 đơn vị. Trong khi đó, TP. Hải Phòng và tỉnh Hải Dương phối hợp xây dựng 114 phương án để hình thành 114 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 260 đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương miền núi phía Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng… cũng tích cực thực hiện sắp xếp, với số lượng đơn vị hành chính giảm đáng kể, giúp bộ máy chính quyền cấp xã trở nên tinh gọn và phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Ví dụ, tỉnh Cao Bằng xây dựng 56 phương án sắp xếp 161 đơn vị hiện có để hình thành 56 đơn vị mới, qua đó giảm 105 đơn vị.

Không chỉ là sự thay đổi về mặt tổ chức hành chính, quá trình sắp xếp này còn mang ý nghĩa lâu dài đối với việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước tại cơ sở, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại hơn trong thời gian tới.

Nguồn: https://congluan.vn/chi-tiet-phuong-an-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-cua-cac-tinh-thanh-pho-10289995.html

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ