Nhờ triển khai chuyển đổi số, ứng dụng AI trong quá trình thăm khám, điều trị, phẫu thuật cho bệnh nhân, nhiều bệnh viện ở Hà Nội đã đạt được quả ngọt.
Hà Nội – Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong khám chữa bệnh đang mang lại những thay đổi rõ rệt tại các bệnh viện lớn, giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn quy trình điều trị và cải thiện đáng kể trải nghiệm của người bệnh.
Bà Trần Thị Tĩnh (58 tuổi, Hưng Yên) là bệnh nhân điều trị ung thư đại tràng tại Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 4-2024. Mỗi lần quay lại để thực hiện hóa trị, bà đều phải mang theo một túi giấy tờ cồng kềnh, gây không ít phiền toái. Tuy nhiên, kể từ ngày 1-11, mọi việc trở nên đơn giản hơn khi bệnh viện chính thức triển khai hệ thống bệnh án điện tử.
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ban đầu đơn vị gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiết bị và nhân lực. Dù vậy, bằng tinh thần học hỏi và kiên trì thực hiện, bệnh viện đã hoàn thành xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, đưa vào áp dụng bệnh án điện tử sớm hơn hai tháng so với kế hoạch.
Xấp giấy tờ bà Tĩnh cần mang theo 2 lần mỗi tháng khi đến Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TT
Giờ đây, bệnh nhân như bà Tĩnh chỉ cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế. Thông tin được tra cứu nhanh chóng, quy trình khám chữa bệnh được rút ngắn đáng kể. Đặc biệt, việc không còn in phim chụp X-quang, CT, cộng hưởng từ và giấy tờ liên quan giúp bệnh viện tiết kiệm khoảng 100 tỉ đồng mỗi năm.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện, nhấn mạnh: việc áp dụng bệnh án điện tử không chỉ giảm chi phí mà còn hỗ trợ chia sẻ thông tin bệnh nhân giữa các cơ sở y tế, tăng cường tính liên tục trong điều trị – yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các bệnh mãn tính hoặc cần theo dõi lâu dài.
Không riêng Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng ghi nhận những hiệu quả tích cực từ chuyển đổi số. Từ năm 2021, bệnh viện đã áp dụng công nghệ Face ID để tiếp nhận bệnh nhân. Việc đăng ký khám hiện nay chỉ mất chưa đến một phút. Trung bình mỗi ngày có 700-800 lượt đăng ký qua Face ID và căn cước công dân, chiếm khoảng 40% tổng số bệnh nhân.
Trước đây, quy trình khám và làm xét nghiệm có thể mất tới ba tiếng, nay rút ngắn còn 1 tiếng rưỡi. Đồng thời, bệnh viện cũng tiên phong trong thanh toán không dùng tiền mặt. Bệnh nhân có thể thanh toán viện phí online ngay tại phòng bệnh mà không cần chờ đợi.
Theo TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, quy trình thanh toán online hiện nay chỉ còn 13 bước, giảm gần một nửa so với trước đây. Việc này không chỉ giảm tải khu vực thanh toán mà còn giúp giảm nhân lực phục vụ, đồng thời tăng sự hài lòng của người bệnh.
Cùng với đó, công nghệ cao như robot và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được đưa vào ứng dụng trong điều trị. Tại Bệnh viện K, hệ thống robot Da Vinci Xi đã được triển khai từ tháng 6-2023 trong các ca phẫu thuật ung thư phổi. Một bệnh nhân nam 59 tuổi, được chẩn đoán ung thư giai đoạn sớm, đã được phẫu thuật thành công với sự phối hợp giữa bác sĩ và robot.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết robot giúp phẫu thuật chính xác hơn nhờ hình ảnh sắc nét và cánh tay linh hoạt, đồng thời giảm chấn thương, mất máu và thời gian nằm viện. Hệ thống Da Vinci Xi hiện là robot phẫu thuật hiện đại nhất và duy nhất tại Việt Nam được sử dụng tại Bệnh viện K, hỗ trợ hiệu quả trong điều trị các bệnh ung thư tiêu hóa, đầu cổ, tiết niệu, phụ khoa…
Trong khi đó, Bệnh viện E mới đây cũng đã trang bị máy CT phổ ứng dụng AI. Công nghệ này giúp tăng khả năng phân biệt tổn thương lành hay ác tính lên đến 96%, cao hơn nhiều so với chụp CT thông thường, đồng thời hạn chế việc phải chụp lặp lại, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người bệnh.
Chuyển đổi số đang dần thay đổi bộ mặt ngành y tế, mang lại lợi ích rõ rệt cả về kinh tế, hiệu quả điều trị và sự hài lòng của bệnh nhân. Những kết quả ban đầu tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Đức Giang, Bệnh viện K hay Bệnh viện E đang cho thấy tiềm năng rất lớn của xu hướng này trong tương lai gần.
Nguồn: https://plo.vn/chuyen-doi-so-nang-cao-chat-luong-y-te-phuc-vu-nguoi-dan-tot-hon-post847226.html