Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi): Bệ phóng cho kỷ nguyên mới của giao thông đường sắt Việt Nam
Với 23 cơ chế, chính sách đặc thù, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt khi được trình Quốc hội tại kỳ họp lần này. Nếu được thông qua, đây sẽ là bước ngoặt giúp Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ đường sắt cao tốc (ĐSCT), tạo đột phá cho hạ tầng giao thông quốc gia.
Mở “đường ray” gọi vốn tư nhân, hóa giải bài toán ngân sách
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, dự thảo lần đầu đưa vào quy định về phát triển quỹ đất dọc tuyến đường sắt (TOD) – một công cụ giúp nhà đầu tư không chỉ trông chờ vào nguồn thu từ bán vé, mà còn được khai thác quỹ đất quanh nhà ga, tạo dòng tiền tái đầu tư.
Với tổng vốn đầu tư cho tuyến ĐSCT Bắc – Nam ước tính khoảng 67,34 tỷ USD, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì mất tới 140 – 300 năm mới thu hồi được vốn. Dự luật mở cơ chế huy động vốn tư nhân, kết hợp hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ưu đãi về thuế và tín dụng, nhằm rút ngắn thời gian triển khai và giảm gánh nặng cho ngân sách.
Hợp tác công – tư và tốc lực từ khối tư nhân
Dự luật Đường sắt được kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ để TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác triển khai hiệu quả hợp tác công – tư (PPP) trong xây dựng hạ tầng đường sắt. Một số tập đoàn lớn như Vingroup đã tiên phong đề xuất đầu tư các tuyến metro và ĐSCT, cam kết tiến độ vượt trội – hoàn thành trong 2-5 năm, thay vì kéo dài hàng chục năm như hiện nay.
Tự chủ công nghệ, nâng tầm công nghiệp đường sắt nội địa
Chính phủ yêu cầu các dự án ĐSCT phải làm chủ công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, từ thi công đến bảo trì, nhằm tiết kiệm chi phí và chủ động vận hành lâu dài. Dự thảo luật cũng quy định đặt hàng, giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp trong nước, yêu cầu liên kết chuyển giao công nghệ từ đối tác quốc tế.
Với những cơ chế và chính sách mới, ngành đường sắt sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ
ẢNH: HẠ HUY
Bệ phóng cho đổi mới quản trị và tinh thần khởi nghiệp
Các chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội đều đánh giá, dự thảo luật không chỉ tạo cú hích cho ngành đường sắt, mà còn là bước chuyển trong tư duy quản lý nhà nước – từ “làm thay” sang “trao quyền”, từ đầu tư công sang thu hút khu vực tư nhân tham gia hiệu quả. Luật cũng khơi thông tiềm lực doanh nghiệp Việt, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đưa nền kinh tế vào quỹ đạo phát triển bền vững.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hien-thuc-hoa-giac-mo-duong-sat-cao-toc-185250619223252859.htm