Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy lưu hành ở VN.
TP.HCM và Hà Nội sẽ đi đầu trong việc kiểm soát khí thải xe máy từ năm 2027
Theo dự thảo mới nhất, từ ngày 1.1.2027, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ tiên phong triển khai kiểm định khí thải bắt buộc đối với xe mô tô và xe gắn máy đang lưu hành. Sau đó, lộ trình này sẽ tiếp tục mở rộng đến Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Thừa Thiên Huế vào năm 2028, và cuối cùng là triển khai đồng bộ trên toàn quốc vào năm 2030. Các địa phương cũng có quyền chủ động áp dụng sớm hơn nếu thấy cần thiết.
Lộ trình được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng kỹ lưỡng với mục tiêu từng bước loại bỏ các phương tiện không đạt chuẩn khí thải, giảm thiểu ô nhiễm không khí và nâng cao chất lượng sống. Hai thông số chính sẽ được kiểm định là Cacbon Monoxit (CO) và Hydrocacbon (HC), chia làm 4 mức theo độ tuổi phương tiện. Các xe càng cũ sẽ bị áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn. Đặc biệt, từ 1.1.2032, xe lưu hành tại Hà Nội và TP.HCM bắt buộc phải đạt mức khí thải từ cấp độ 2 trở lên.
Gần 20 năm sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương kiểm soát khí thải xe máy thì xe máy sắp được “đưa vào khuôn khổ”
ẢNH: NHẬT THỊNH
Bên cạnh việc kiểm soát khí thải, lộ trình này còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới xây dựng hệ thống giao thông bền vững, hiện đại. Các cơ sở kiểm định sẽ được mở rộng với khoảng 3.000 điểm trên toàn quốc, bao gồm cả đại lý bảo dưỡng xe máy thuộc Hiệp hội VAMM và các đơn vị xã hội hóa.
Các phương tiện mới dưới 5 năm tuổi sẽ được miễn kiểm định khí thải, trong khi xe từ 5 – 12 năm tuổi kiểm định hai năm/lần và trên 12 năm là mỗi năm một lần. Việc khắc phục, sửa chữa xe không đạt tiêu chuẩn cũng là bước bắt buộc để đảm bảo an toàn và hiệu quả kiểm soát ô nhiễm.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng đây là bước đi đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh lượng xe máy tại Việt Nam tăng nhanh và gắn liền với nhiều tầng lớp lao động có thu nhập trung bình – thấp. Do đó, việc tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi và chuẩn bị cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt để đảm bảo chính sách đi vào thực tiễn một cách hiệu quả và nhân văn.
Với tỷ lệ xe máy chiếm đến 90% lượng khí CO phát thải và hơn 65% lượng HC, việc siết kiểm soát khí thải sẽ có tác động tích cực rất lớn, có thể giúp giảm đến 30% mức độ ô nhiễm không khí tại đô thị lớn. Đây không chỉ là một bước tiến trong bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội để người dân từng bước làm quen và chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh, hiện đại và thân thiện với môi trường hơn trong tương lai.
Nguồn: http://thanhnien.vn/kiem-soat-khi-thai-xe-may-the-nao-185250513230828658.htm