Nguy cơ hóa chất gây ung thư trong bao bì thực phẩm

Bao bì thực phẩm – hiểm họa tiềm ẩn từ “thân thiện với môi trường”

Ngày 17/5, Quỹ Diễn đàn Bao bì Thực phẩm (FPF) công bố báo cáo cảnh báo bao bì thực phẩm, kể cả loại được quảng bá là “thân thiện với môi trường”, có thể làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với các hóa chất gây ung thư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng vật liệu tái chế trong sản xuất bao bì có thể khiến nồng độ hóa chất độc hại gia tăng. Những chất này có thể thẩm thấu vào thực phẩm trong quá trình bảo quản hoặc khi hâm nóng. Đặc biệt, nhựa đen – thường dùng làm dụng cụ nhà bếp – có nguy cơ cao chứa các hợp chất nguy hiểm từ rác thải tái chế trái phép.

Thực phẩm được đựng trong các loại hộp nhựa dùng một lần. Ảnh: Martha Stewart

Các hóa chất đáng lo ngại bao gồm PFAS – “hóa chất vĩnh cửu” liên quan đến nhiều bệnh như ung thư, tiểu đường, vô sinh; BPA và phthalate – hai chất phổ biến trong sản xuất nhựa cũng nằm trong danh sách cần hạn chế.

Thực phẩm siêu chế biến (UPF) – vốn được đóng gói và bảo quản lâu trong bao bì nhựa – là nguồn phơi nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Việc hâm nóng các món ăn sẵn trực tiếp trong bao bì nhựa càng làm tăng nguy cơ hóa chất xâm nhập vào thực phẩm.

Bà Jane Muncke – tác giả chính của báo cáo – kêu gọi các chính phủ hành động nhằm giảm tiêu thụ UPF và phát triển vật liệu đóng gói an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Báo cáo khuyến nghị chuyển dần khỏi các loại bao bì dễ giải phóng hóa chất tổng hợp và vi nhựa, như nhựa, giấy, bìa cứng và kim loại phủ sơn.

Nguồn: https://vnexpress.net/nguy-co-hoa-chat-gay-ung-thu-trong-bao-bi-thuc-pham-4887490.html

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ