Siết cho thuê ngắn hạn: Cơ hội cho người mua ở thực và mô hình lưu trú chuyên nghiệp

Siết chặt cho thuê ngắn hạn tại chung cư: Mở ra cơ hội cho người mua ở thực

Việc cấm hoặc siết chặt hoạt động cho thuê lưu trú ngắn hạn như Airbnb tại các chung cư để ở đang trở thành xu hướng tại nhiều đô thị lớn, đặc biệt sau khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Luật mới nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, ổn định hạ tầng và công bằng trên thị trường lưu trú.

Hoạt động cho thuê ngắn hạn tràn lan thời gian qua đã gây ra nhiều hệ lụy: quá tải hạ tầng, mất an ninh, khó kiểm soát người ra vào và cạnh tranh không lành mạnh với các loại hình lưu trú hợp pháp như khách sạn, căn hộ dịch vụ. Đáng lo ngại hơn, phần lớn hoạt động này diễn ra tự phát, không đăng ký kinh doanh, không nộp thuế, dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước.

Siết hoạt động kinh doanh lưu trú ngắn hạn sẽ mở cơ hội cho nhu cầu ở thực

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc phân định rõ ràng giữa mục đích “ở” và “kinh doanh” là cần thiết. Chủ căn hộ muốn cho thuê ngắn hạn cần được sự đồng thuận của cư dân, đồng thời phải tuân thủ quy định pháp lý chặt chẽ như đăng ký kinh doanh, khai báo tạm trú, nghĩa vụ thuế và phòng cháy chữa cháy.

Xu hướng siết chặt quản lý này cũng đang được nhiều thành phố lớn trên thế giới áp dụng để đối phó với khủng hoảng nhà ở, khi làn sóng đầu cơ cho thuê ngắn hạn đẩy giá căn hộ lên cao, làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Tại Việt Nam, động thái siết hoạt động này được kỳ vọng sẽ giúp làm lành mạnh hóa thị trường, hạn chế đầu cơ, và quan trọng nhất là mở ra cơ hội cho người mua ở thực tiếp cận được nhà ở với mức giá hợp lý hơn.

Nguồn: https://congluan.vn/siet-cho-thue-ngan-han-co-hoi-cho-nguoi-mua-o-thuc-va-mo-hinh-luu-tru-chuyen-nghiep-10297260.html

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN MIỄN PHÍ