1. Bệnh nha chu là bệnh gì?
Viêm nha chu hay còn gọi là bệnh nha chu là tình trạng vi khuẩn gây hại xâm nhập vào mô nha chu làm cho nướu bị viêm, nhiễm trùng, tiêu xương ổ răng, tạo thành túi nha chu dẫn đến trình trạng răng lung lay hay mất răng… Đây là bệnh về răng miệng rất phổ biến ở người Việt Nam.
Bệnh không phân biệt lứa tuổi hay giới tính vì thế ai cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu không ý thức tốt việc chăm sóc răng hàng ngày. Tuy nhiên viêm nha chu thường bắt gặp ở lứa tuổi trung niên, người già và là một trong những nguyên nhân chính gây mất răng ở người lớn.
2. Nhận biết dấu hiệu viêm nha chu
Bệnh nha chu thường sẽ trải qua các giai đoạn: viêm lợi và viêm nha chu nhẹ và viêm nha chu nghiêm trọng. Tuy nhiên bệnh thường diễn tiến âm thầm khiến bệnh nhân khó nhận biết các triệu chứng viêm nha chu cho đến khi tình trạng trở nên nặng hơn thì mới phát hiện ra.
Giai đoạn đầu, khi bệnh nhân không vệ sinh răng miệng kỹ càng thì sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn tích tụ thành mảng bám ở kẽ răng và cổ răng viền lợi, từ đó hình thành nên vôi răng và cao răng gây kích thích nướu dẫn đến tình trạng viêm lợi.
Tiếp theo, viêm lợi sẽ gây sưng đỏ và dễ chảy máu khi chải răng. Lâu dần, nướu bị mềm và không còn ôm chắc lấy răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển mạnh. Từ đó tạo ổ vi khuẩn có chứa mủ ở nướu chính là tình trạng viêm nha chu nhẹ và từ từ chúng sẽ phá hủy khung xương ổ răng khiến nướu bị tụt xuống và răng lung lay, dễ rơi rụng. Đó là giai đoạn viêm nha chu nặng và nghiêm trọng có thể ảnh hưởng thẩm mỹ và chức năng ăn nhai của bệnh nhân.
Các triệu chứng của bệnh viêm nha chu là:
– Nướu sưng, đỏ, dễ chảy máu.
– Xuất hiện tình trạng chảy dịch/mủ giữa các khe nướu.
– Hơi thở có mùi khó chịu.
– Răng lung lay.
Khi gặp phải những dấu hiệu trên cần đến ngay các nha khoa uy tín để thăm khám và chữa trị kịp thời bệnh viêm nha chu này vì nếu để lâu sẽ càng gây nên những hậu quả khó lường và nghiêm trọng nhất là mất răng, tiêu xương.
3. Nguyên nhân viêm nha chu là gì?
Vi khuẩn chính là “thủ phạm” gây ra bệnh lý viêm nha chu. Vi khuẩn bắt đầu hình thành và sinh sôi khi chúng ta ăn. Khi đó thức ăn dính vào răng tạo thành mảng bám và nếu không được làm sạch, mảng bám lâu ngày sẽ cứng lại, tạo thành vôi răng. Mảng bám và vôi răng càng nhiều thì vi khuẩn càng có điều kiện thuận lợi để phát triển và tấn công nướu răng. Khi không được kiểm soát, nướu sẽ bị viêm nặng hơn, có thể gây ra mất bám dính ngày càng trầm trọng tạo nên túi nha chu và tiêu xương ổ răng nâng đỡ răng mất. Các răng có thể trở nên lung lay và không ổn định. Nếu nhiễm trùng tiến triển, cuối cùng bạn có thể bị mất răng.
Ngoài ra còn do một số các yếu tố khác như răng chen chúc, phục hình răng sai quy cách, giải phẫu chân răng sai cách… Hay lý do xuất phát từ các bệnh toàn thân làm giảm sức đề kháng của vùng quanh răng như chức năng miễn dịch suy giảm (HIV, ung thư máu). Các bệnh như béo phì, tiểu đường, thay đổi nội tiết tố…cũng là những yếu tố nguy cơ của bệnh viêm nha chu. Ngoài ra còn có các yếu tố môi trường như tình trạng hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng, stress cũng có thể là tác nhân dẫn đến viêm nha chu.
4. Viêm nha chu có nguy hiểm không?
Khi xương quanh răng bị phá huỷ sẽ khiến răng lung lay và rơi rụng từ từ, ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, sinh hoạt và giao tiếp của bệnh nhân. Ăn uống kém trong thời gian dài còn dẫn đến các bệnh về tiêu hoá, đồng thời suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã cho thấy rằng vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu của người bệnh gây ảnh hưởng đến tim, phổi và các bộ phận khác dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân của bạn như: bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, nhiễm trùng tâm nội mạc, sinh non thiếu cân, các bệnh về hô hấp. Bên cạnh đó, bệnh còn gây ra hôi miệng khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp hằng ngày.
Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh lý viêm nha chu, tuy nhiên bác sĩ sẽ cần thăm khám trực tiếp tình trạng răng miệng của bệnh nhân và thậm chí sẽ phải chụp phim để có những chẩn đoán chính xác nhất. Từ đó xem xét mức độ nặng nhẹ của bệnh để phác họa lộ trình điều trị phù hợp cho từng người.
Nếu là giai đoạn đầu, viêm nha chu nhẹ hoặc viêm nướu thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại chỗ bằng các phương pháp như làm sạch các mảng bám, lấy vôi răng, cao răng.
Trong trường hợp nặng hơn, khi răng đã xuất hiện các túi nha chu thì Bác sĩ sẽ tiến hành nạo túi để xử lý sạch ổ vi khuẩn ở răng. Nếu nghiêm trọng hơn có thể sẽ phải chỉ định phẫu thuật để lật vạt làm sạch triệt để không còn chỗ cho vi khuẩn trú ngụ. Hoặc khi bệnh nhân gặp phải trường hợp đã bị tiêu xương hay mất nhiều mô nướu thì Bác sĩ cần thực hiện phẫu thuật để ghép xương, ghép nướu.
Ngoài ra, bệnh nhân cần tuân thủ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chải răng 2 ngày/lần, kết hợp nước súc miệng và chỉ nha khoa để làm sạch các mảng bám. Đồng thời, thăm khám định kỳ 3 tháng/lần để Bác sĩ kiểm tra và làm sạch vôi răng.
Tuy nhiên cách để chữa viêm nha chu nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất chính là điều trị càng sớm càng tốt.